Header Content Region

Insert text, image or banner ads here, or just delete this text and leave this area blank!

portfolio1 portfolio2 portfolio3 portfolio4 portfolio1 portfolio2 portfolio3 portfolio4

Tỉnh Phước-Tuy

Phước Tuy thuộc miền Đông Nam Phần (Quân Khu III) trước 75, gồm 5 quận, 24 xã, dân số khoảng 300 ngàn, lúc sau tăng nhiều nhờ những xã di dân, khẩn hoang lập ấp. Tỉnh lỵ nằm trong xã Phước Lễ thuộc Quận  Châu Thành cách Sàigòn tròn trăm cây bằng quốc lộ 15.

Tỉnh Phước-Tuy

Bắc giáp Biên Hòa, Long Khánh, Bình Tuy, Tây giáp Gia Định (vùng Rừng Sát), biển Đông ôm gọn phía Nam, Đông Nam với bải biển cát trắng và những trung tâm nghỉ mát, làng chài. Diện tích hình chữ nhật theo trục Đông Nam trên dưới 300 csv.

Năm Quận

Tỉnh gồm 5 Quận: Long Lễ, Long Điền, Đất Đỏ, Đức ThạnhXuyên Mộc. Ngày 6 tháng 9 năm 1973, Thủ tướng Trần Thiện Khiêm ban hành Nghị định số 420-BNV/HC DP/26, do Tổng Trưởng Nội Vụ Lê Công Chất ký, sát nhập Trường Sa và các đảo phụ cận vào xã Phước Hải, Quận Đất Đỏ, Tỉnh Phước-Tuy.

Sông

Sông lớn nhất là Sông Thị Vãi chảy song song với Quốc Lộ 15 và đổ ra cửa Cần Giờ. Kế đến là Sông Dinh, nước ngọt, là nguồn cung cấp nước cho toàn tỉnh và sau cùng là song Ray chảy từ Bắc xuống Nam và đổ ra cửa Lộc An.

 

small portfolio1 small portfolio2 small portfolio3 small portfolio4
themed object

Kính Chào Đồng Hương và Thân Hữu!

  •  
get in touch

HỘI ĐỒNG HƯƠNG BÀ-RỊA PHƯỚC-TUY

Quần Đảo Trường Sa – Một Chuyến Đi

Nguyễn Ngọc Hoán
Cựu SVSQ Khóa 12 Trường Võ Khoa Thủ Đức
Cựu Thiếu Tá Trưởng Phòng Truyền Tin Tiểu Khu Phước Tuy

I – QUẦN ĐẢO TRƯỜNG SA

Sơ lược về địa lý và chủ quyền trên Quần Đảo Trường Sa qua các giai đoạn:

Quần Đảo Trường Sa là những đảo do san hô tạo thành. Tính theo đường chim bay từ xã Phước Hải, Quận Đất Đỏ, Tỉnh Phước Tuy thì Quần Đảo Trường Sa cách xã Phước Hải khoảng 600 km. Quần Đảo Trường Sa có khoảng hơn 30 đảo, đa số thấp và nhỏ.

Từ đầu thế kỷ 17, Chúa Nguyễn đã tổ chức đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải, có nhiệm vụ ra trú đóng ở hai quần đảo này, mỗi năm chỉ ở khoảng 8 tháng để khai thác hải sản.

- Năm 1753, có 10 người lính của đội Bắc Hải đến Quần Đảo Trường Sa.

- Năm 1816, vua Gia Long ra lệnh chính thức chiếm hữu đảo, cắm cờ và đo thủy trình.

- Năm 1835, vua Minh Mạng cho đặt bia đá, đóng cọc, trồng cây và tuần tiểu trên các đảo. Hoạt động này tiếp tục cho đến khi Pháp nhảy vào Đông Dương.

- Năm 1927, tàu De Lanessan viếng Quần Đảo Trường Sa.

- Năm 1930, ba tàu Pháp La Malicieuse, L’Alerte và L’Astrobale chiếm Quần Đảo Trường Sa và cắm cờ Pháp trên quần đảo này.

- Ngày 21 tháng 12 năm 1933, Toàn Quyền Đông Dương ký sắc lệnh số 4762-CP sát nhập Quần Đảo Trường Sa vào Tỉnh Bà Rịa.

- Năm 1951, tại hội nghị Sanfrancisco, Nhật tuyên bố từ bỏ các đảo. Đại diện chính phủ Bảo Đại là Thủ Tướng Trần Văn Hữu khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên 2 quần đảo mà không có nước nào lên tiếng phản đối.

- Ngày 1-6-1956, Ngoại Trưởng Việt Nam Cộng Hòa Vũ Văn Mẫu xác nhận chủ quyền của Việt Nam trên cả 2 quần đảo.

- Ngày 22-8-1956, một đơn vị của Hải Quân VNCH cắm cờ trên quần đảo Trường Sa và dựng bia đá.

- Ngày 22-10-1956, Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm ký sắc lệnh số 143-NV đổi tên Bà Rịa thành Tỉnh Phước Tuy.

- Ngày 6-9-1973, một lần nữa Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm ban hành nghị định số 420-BNV/HC DP/26 ( do Tổng Trưởng Nội Vụ Lê Công Chất ký ) sát nhập Trường Sa và các đảo phụ cận vào Xã Phước Hải, Quận Đất Đỏ, Tỉnh Phước Tuy.

- Đến ngày 30 tháng 4 năm 1975, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa vẫn trấn giữ Đảo Trường Sa cho đến khi Cộng Sản Hà Nội chiếm giữ.

(Trích Thời Đại Mới số 11 tháng 7 năm 2007)

II- MỘT CHUYẾN ĐI

Ký ức liên quan đến Quần Đảo Trường Sa tính đến hôm nay đã gần 42 năm. Tôi cùng vài sĩ quan tham mưu thuộc các phòng ban, được Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu Phước Tuy cử đi theo đơn vị trú đóng Quần Đảo Trường Sa từ ngày 1-8-1973. Sau đây xin ghi lại những gì còn nhớ được.

Nhớ Về Trường Sa – Chuẩn Bị Tái Trú Đóng

Kể từ sau Hiệp Định Paris năm 1973, coi như Việt Nam Cộng Hòa bị người anh em lần lần bỏ rơi. Tuy nhiên, câu chuyện sau đây chứng tỏ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa vẫn có khả năng bảo vệ các phần đất của tổ quốc dù là những hải đảo xa xôi.

Đầu thập niên 70, chiến trận khắp miền Nam Việt Nam ngày càng gia tăng nên VNCH đã có chương trình đem quân ra trú đóng lại Quần Đảo Trường Sa mà lâu nay bỏ trống, mặc dù trên một số đảo đã có sẵn bia chủ quyền của ta do Hải Quân thiết lập từ lâu. Nếu tính theo đường chim bay thì Trường Sa cách Xã Phước Hải khoảng 600 km. Bằng một nghị định của Thủ Tướng VNCH, Quần Đảo Trường Sa trực thuộc Xã Phước Hải, Quận Đất Đỏ, Tỉnh Phước Tuy.

Để chuẩn bị cho việc đưa quân ra trú đóng, khoảng tháng 8 năm 1972, Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã ra lệnh cho Tổng Cục Tiếp Vận, Cục Công Binh, Hải Quân, và Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3/Quân Khu 3 đi thám sát năm đảo sau đây:

1- Đảo Nam Yết (Namyit) là hòn đảo lớn nhất trong 5 đảo, nơi sẽ đặt ban chỉ huy quân trú phòng. Đảo này có chiều dài khoảng 800m, rộng khoảng 400m, khi nước rút có thể cao hơn mặt nước biển từ 7 đến 8 mét. Đào giếng có nước lợ.Trên đảo có một số cây dừa, cây nhào, cây hải sâm… và cả chuột nữa.

2- Đảo An Bằng (Amboya Cay) là hòn đảo nhỏ và thấp nhất, có một số cây hải sâm và không có cây cao.

3- Đảo Sinh Tồn (Sicow) là một hòn đảo nhỏ, ở xa đảo Nam Yết và không có cây cao.

4- Đảo Song Tử Tây (Southwest Cay) cũng ở xa đảo Nam Yết và các đảo kia, nhưng có những cây dừa cao. Song Tử có nghĩa là hai đảo. Đảo Song Tử Đông đã do Phi Luật Tân chiếm đóng từ trước rồi.

5- Đảo Trường Sa (Spartley Island) tuy mang tên của quần đảo nhưng xa xôi, thấp và nhỏ, có một số cây dừa. Khi nước rút thì diện tích đảo có thể lớn gấp đôi.

Quần Đảo Trường Sa có từ năm đến sáu nước đang tranh chấp chủ quyền. Chỉ có một đảo lớn nhất là Đảo Thái Bình mà tên trên bản đồ quốc tế là Ituaba Island do Thủy Quân Lục Chiến Đài Loan chiếm đóng từ năm 1955. Đảo này có nước ngọt và sân bay. Vào thời điểm năm 1973, luôn có 2 tàu chiến loại DD lớn hơn tuần dương hạm của Hải Quân VNCH trú đóng để bảo vệ đảo (Chúng tôi đã được một vị Đại Tá TQLC Đài Loan mời uống nước trà tại cầu tàu trên đảo, nhưng họ không cho vào sâu trong đảo).

Hầu hết các đảo của Trường Sa được cấu tạo bởi san hô. Khi nước xuống thì chân đảo trải dài cả cây số trắng xóa, cát san hô gây trở ngại cho tàu đổ bộ.Vì vậy công binh phải bắn mìn phá san hô để làm cầu tàu cho tàu cập bến.

Thám sát xong năm đảo nói trên thì nhiệm vụ của các đơn vị được phân chia như sau:

1. Bộ Tư Lệnh Hải Quân:

- Cung cấp phương tiện chuyên chở vật liệu xây dựng cho Công Binh.

- Chuyên chở quân trú phòng ra đảo.

- Cung cấp nước ngọt cho năm đảo.

- Thường xuyên có hạm đội quanh Quần Đảo Trường Sa để bảo vệ cho quân trú phòng.

2. Cục Công Binh:

- Có nhiệm vụ đem vật liệu xây dựng nhà ở, nhà tiền chế.

- Xây hồ chứa nước ngọt.

- Phá san hô làm cầu tàu cho tàu Hải Quân dễ dàng cập bến.

3. Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3/Quân Khu 3:

Có nhiệm vụ thiết lập hệ thống liên lạc từ Quần Đảo Trường Sa về đất liền và với các chiến hạm của Hải Quân VNCH.

4. Tỉnh/Tiểu Khu Phước Tuy:

Trách nhiệm cung cấp quân trú phòng cho năm đảo. Đồng thời Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3/Quân Khu 3 giao trách nhiệm cho Tiểu Khu Phước Tuy trực tiếp thiết lập hệ thống liên lạc như đã nói ở trên.

Nhiệm vụ Của Tỉnh/Tiểu Khu Phước Tuy

Trách nhiệm của Tỉnh/Tiểu Khu Phước Tuy là thành lập đại đội quân trú phòng và phụ trách vấn đề tiếp liệu, hậu cần liên quan đến sinh hoạt của năm đảo.

1. Đơn vị quân trú phòng:

Tuyển lựa các sĩ quan, hạ sĩ quan và binh sĩ tình nguyện ra đảo. Ngoài đảo chính là Đảo Nam Yết do ban chỉ huy đại đội trú đóng cùng 2 trung đội ( khoảng 45 người ) thì bốn đảo còn lại mỗi đảo có hơn một trung đội trú đóng.

Thời gian phục vụ ngoài đảo, ban đầu được ấn định là 3 tháng, tuy nhiên tùy thuộc vào gió bão và phương tiện chuyên chở của hải quân, có khi kéo dài cả 6 tháng.

Quân trú phòng được hưởng quy chế lương bổng khác hơn các quân nhân trong đất liền, thâm niên công vụ cũng được tính thêm, và được xét thăng cấp đặc biệt. Hầu hết tiền lương hàng tháng còn nguyên vẹn, khi về đất liền sẽ lãnh một lần.

2. Tiếp liệu và hậu cần:

Lương thực cho từng đảo có dự trữ đủ dùng từ 6 đến 8 tháng gồm có gạo, lương khô, và đồ hộp. Hồ nước ngọt luôn được tàu hải quân bơm đầy.

Quân trang, quân dụng luôn luôn sẵn sàng trong kho để thay đổi cho quân trú phòng mỗi 3 tháng.

Vũ khí, đạn dược được trang bị trên mức trung bình so với quân nhân trên đất liền. Đặc biệt mỗi đảo đều có thêm súng đại bác không giật 57 ly để tăng cường bảo vệ đảo.

Mỗi đảo đều có kho quân y do một sĩ quan trợ y hay một hạ sĩ quan y tá đảm trách với số thuốc men luôn luôn dồi dào.

Mỗi đảo được cung cấp 2 xuồng máy bằng cao su để tuần tra quanh đảo.

Phương tiện liên lạc: Người viết bài này ngoài nhiệm vụ do Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu Phước Tuy giao phó là thiết lập hệ thống liên lạc giữa 5 đảo với nhau và với đất liền, còn mang trách nhiệm do chính Đại Tá Nguyễn Hữu Phụng, trưởng phòng 6 Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3 / Quân Khu 3 chỉ định thiết lập luôn hệ thống liên lạc giữa 5 đảo với BTL/QĐ3/QK3 tại Biên Hòa, BTL/HQ tại bến Bạch Đằng, và Hải Đội 2 Tuần Dương của Hải Quân luôn luôn có mặt tại Quần Đảo Trường Sa. Phương tiện liên lạc chính gồm có: Máy truyền tin AN/GRC87 (có bộ phận nạp điện quay tay, và liên lạc bằng morse), máy truyền tin AN/PRC74 (thời điểm thập niên 70 máy này rất gọn nhẹ và liên lạc được xa cả ngàn cây số bằng âm thoại một cách dễ dàng ). Đài chính đặt tại trung tâm hành quân, Bộ Chỉ Huy Phước Tuy thường trực 24/24. Đài phụ ở 5 đảo thì mở máy đầu giờ. Ngoài giờ nếu có gì cấp bách thì cứ mở máy liên lạc với đài chính.

Ngoài tiếp liệu chính là vũ khí đạn dược, quân trang quân dụng v.v… Phòng 4 và Trung Tâm Yểm Trợ Tiếp Vận còn phân phối các lọai hạt giống (rau muống, dền, bầu, bí, và mướp), dụng cụ để lưới bắt cá, và dụng cụ hớt tóc cho từng đảo. Khối chiến tranh chính trị cung cấp những bộ truyện của Kim Dung, Quỳnh Dao, Bà Tùng Long, Hồ Biểu Chánh, Sơn Nam….Mỗi đảo có sân bóng chuyền, bàn đánh bóng bàn, cờ tướng. Radio thường bị nhiễu song bởi các nước lân cận như Phi Luật Tân, Mã Lai, Nam Dương.

3. Sinh hoạt hằng ngày:

Các tiêu lệnh phòng thủ được ban ra từ đại đội trưởng, trung đội trưởng (chúa đảo) cho từng tiểu đội, từng tổ ở những vị trí trên đảo gần như cố định. Vì trong tư thế trú phòng nên sinh hoạt trên đảo có vẻ thoải mái. Các quân nhân thường ở trần, coi lực lưỡng, có nước da đen bóng vì cháy nắng và gió biển. Vài anh không hớt tóc để giống như Robinson vậy cho đến ngày về đất liền. Có người chịu khó thì làm ra tiền nhờ những nguồn lợi hải sản như:

  • Mỗi cuối đảo đều có một khu mà các loại hải âu thường trú ngụ và sinh sôi nảy nở. Có lúc hải âu con chạy lền khên trên một góc đảo. Chúa đảo thường lưu ý quân nhân của mình chỉ nên lượm trứng hải âu vừa đù xài mà thôi.
  • Rùa biển (vich) có bốn chân mái chèo, lớn gấp rưỡi cái nón lá và nặng cả tạ nhưng khi vích đã bò được xuống nước thì bơi và lặn rất nhanh. Thường giữa khuya trăng mờ là vích lên bờ đẻ trứng; vích nặng nề lấy 2 chân sau cào thành một cái hố vả đẻ khoảng 200 trứng, sau đó lấp cát lại. Chờ cho vích đẻ xong thì 2 anh chàng lanh lẹ xuất hiện lật ngửa bụng vích lên trời và bắt chúng dễ dàng. Tuy vích đẻ mỗi lứa khoảng 200 trứng, nhưng đến lúc trưởng thành bằng mẹ thì còn không quá 5 con ( khoảng 2.5% ). Vích đực nhỏ bằng nửa vích cái. Trứng vích khi luộc thì chỉ đặc tròng đỏ còn lòng trắng thì không.
  • Các loại hải sản khác như san hô, sò ốc, đỉa biển, cá và rong biển rất phong phú. Xung quanh đảo có rất nhiều tảng đá san hô lớn bằng cái tủ 2 ngăn hoặc bằng ghế “ xa lông “ thường không chồng lên nhau. Chúng nằm dưới mặt nước trong vắt sâu từ 80 cm đến 2 m. Sò huyết bám chặt vào các tảng đá này từ bao đời rồi, khi nước lên là các trự mở miệng rộng tối đa để bắt cá con và phiêu sinh vật. Có những con sò huyết lớn khoảng 4 tấc, các chàng trai trên đảo chỉ lấy duy nhất sợi dây gân bám chặt vào vỏ để đem về nấu cháo. Sợi gân này trắng, dai và dòn, nặng hơn 1 ký. Vỏ ốc thì muôn màu và đẹp và đẹp được rửa sạch đánh bóng, xếp từng loại cho vào bao cát để dành tặng bạn bè làm kỷ niệm. Chung quanh đảo có rất nhiều loại cá lạ mắt, có loại độc và không ăn được, còn loại cá ăn được nếu nhiều quá thì làm khô chờ đem về đất liền cho người thân hoặc làm quà trao đổi với các chiến sĩ Hải Quân. Có vô số cá ngựa lững lờ ở bìa đảo bơi dật dờ ở độ sâu khoảng 5 mét chỉ cần lấy vợt mà vớt đem về, còn đỉa biển nằm sát đáy nước sâu từ 5 đến 6 mét vẫn thấy một vệt đen nằm dưới đó. Ngoài ra còn một nguồn lợi khác là rong biển. Cá ngựa, đỉa biển, và rong biển đều được phơi khô để làm quà phương xa hoặc bán cho tiệm thuốc Bắc.

Trong công tác phòng trú cho năm đảo, nhiều quân nhân tình nguyện ra đảo và có người tình nguyện ở lại nhiều đợt, họ đã chấp nhận cuộc sống xa nhà xa gia đình mà chung quanh chỉ có trời và nước. Không phải ai cũng chấp nhận và chịu đựng được điều ấy cho dù đời sống ở đảo khá yên tĩnh và có thể kiếm thêm lợi tức phụ vào với số “ tiền lính, tính liền “. Hơn nữa, ai có thể quyết đoán là các hải đảo xa xôi sẽ không là mục tiêu của địch quân, vì Trung Cộng đã tấn công Hoàng Sa chỉ một thời gian ngắn sau khi Tiểu Khu Phước Tuy đem quân trú phòng ra Quần Đảo Trường Sa, Vì vậy, khi nhận trách nhiệm bảo vệ bất cứ một nơi nào của đất nước, người lính Việt nam Cộng Hòa cũng đã sẵn sàng đương đầu với hiểm nguy và sẵn sàng hy sinh cho tổ quốc.

Chuyến đi đóng quân tại Quần Đảo Trường Sa

Như đã nói trên, ròng rã từ tháng 8 năm 1972, các chiến sĩ Hải Quân, Cục Công Binh, và các thành phần của Tổng Cục Tiếp Vận đã thám sát năm đảo, dựng lại bia chủ quyền, lắp ráp các nhà tiền chế, kho lẫm, xây bể chứa nước và các công sự phòng thủ. Phần Tiểu Khu Phước Tuy đã thành lập xong đơn vị trú phòng với đầy đủ tiếp liệu và dự phòng. Các phòng, ban, trung tâm yểm trợ tiếp vận đều cử sĩ quan đi theo quân trú phòng ra đảo và người viết bài này có cấp bậc cao nhất nên được bộ chỉ huy cử làm trưởng đoàn.

Ngày N giờ G là ngày 1 tháng 8 năm 1973:

Lực lượng đầu tiên được chọn ra trú đóng là 1 đại đội thuộc Tiểu Đoàn 322/ĐPQ và kế hoạch chiếm đóng như sau:

1. BCH Đại Đội đóng tại đảo Nam Yết

2. 1 Trung đội tại Đảo Sơn Ca

3. 1 Trung Đội tại Đảo Sinh Tồn

3. 1 Trung đội tại Đảo Trường Sa

Đòan công voa đi ra Quần Đảo Trường Sa khởi hành từ Thị Xã Phước Lễ lúc tờ mờ sáng. Ngày hôm trước, sau khi đã nhận tỉ mỉ nhiệm vụ chuyến đi từ Trung Tá Huỳnh Bửu Sơn, Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Tiểu Khu Phước Tuy, Trung Tá Tham Mưu Trưởng Trần Thanh Long chỉ huy tổng quát cuộc hành quân. Khoảng 11 giờ trưa, đòan công voa tới bến Tân Cảng ở đầu xa lộ Sài Gòn Biên Hòa. Dương Vận Hạm HQ504 đã sẵn sàng đón nhận đoàn quân đi Trường Sa:

- Các xe GMC 5 tấn chở quân trang, quân dụng đi thẳng vào lòng chiếc tàu há mồm loại 10 ngàn tấn để xuống hàng.

- Quân nhân mang vũ khí cá nhân thì ở trên boong tàu. Toán sĩ quan đại diện được Trung Tá Hạm Trưởng Vũ Hữu San mời lên phòng hạm phó ở.

Cùng với Dương Vận Hạm còn có Tuần Dương Hạm HQ16, Tuần Dương Hạm HQ5 và một vài hộ tống hạm khác mà tôi không nhớ hết. Trên soái hạm HQ5 có Hải Quân Đại Tá Hà Văn Ngạc

chỉ huy suốt cuộc hành trình. Ngoài ra còn có Hải Đội 2 Tuần Dương hành quân bảo vệ.

Chúng tôi đổ bộ lên đầu tiên là đảo chính Nam Yết, kế đến là Đảo An Bang, Đảo Sinh Tồn, Đảo Trường sa, và Đảo Song Tử Tây. Toán sĩ quan đại diện của chúng tôi ở lại quần đảo Trường Sa hai tuần và đã làm xong các công việc phải làm. Nội trong ngày đầu đã thiết lập xong hệ thống liên lạc. Phần việc của phòng nào thì sĩ quan phòng ấy lo sắp xếp cho quân sĩ trú phòng. Các kho đạn dược, lương thực đều ngăn nắp và ổn định còn hồ chứa nước ngọt đã do hải quân bơm đầy từ trước.

Sau 2 tuần lễ ở Trường Sa, đã đến lúc chúng tôi phải về lại Phước Tuy. Ngày rời Trường Sa đã đến mặc dầu có dấu hiệu trận mưa bão bắt đầu. Ngày 14 tháng 8 năm 1973, sau những giây phút bịn rịn, toán sĩ quan đại diện các phòng đã xong nhiệm vụ lên chiếc HQ16 trở về đất liền. Ngày 15 tháng 8 đã cập bến Bạch Đằng và chúng tôi đã có sẵn xe đón về Thị Xã Phước Lễ.

Lời kết

Chuyến đi đến những phần đất xa xôi của tổ quốc tuy đến nay đã 42 năm nhưng tôi vẫn giữ mãi một niềm hãnh diện chung của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Trong giai đoạn Việt Nam Hóa Chiến Tranh, cuộc hành quân đổ bộ lên Quần Đảo Trường Sa hoàn toàn do Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đảm nhận.Tộng Cục Tiếp Vận, Cục Công Binh, Hải Quân là ba đơn vị cùng với Tiểu Khu Phước Tuy hoàn thành sứ mạng được giao phó. Riêng Hải Đội 2 Tuần Dương do Hải Quân Đại Tá Hà Văn Ngạc chỉ huy, chỉ 5 tháng trú phòng sau cuộc hành quân ra Trường Sa, đã có trận hải chiến oai hùng với Hải Quân Trung Cộng tại Hoàng Sa vào tháng Giêng năm 1974. Còn nhiệm vụ trú phòng Quần Đảo Trường Sa của quân nhân các cấp thuộc Tiểu Khu Phước Tuy đã hoàn thành xuất sắc cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Xin kết thúc bài viết này với niềm hãnh diện và kính trọng sâu xa đến quân nhân các cấp liên hệ trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Đặc biệt tri ân các chiến sĩ Hải Quân với các chiến hạm tung hoành trên Biển Đông, đã vận chuyển hàng hóa, lương thực và chuyển quân ròng rã trong suốt ba năm giữ trách nhiệm trú đóng tại Trường Sa của Tiểu Khu Phước Tuy.

Nguyễn Ngọc Hoán K12/TVKTD

 

slide up button