Mỗi tuần một bài lấy từ trên mạng - hay nên đọc

Nếu sử gia là một người đàn bà...
Đào Nương

Hai tuần nay, chuyện ông Nguyễn Cao Kỳ qua đời đã làm tốn hao nhiều giấy mực và làm “động não” nhiều người.

Trước tiên là vấn đề tang lễ. Tin đầu tiên được loan báo là cô MC Kỳ Duyên từ Việt Nam sẽ bay sang Malaysia mang thi hài của phụ thân cô về án táng ở Việt Nam. Sau đó, tin chính thức trên cáo phó của gia đình loan báo tang lễ sẽ cử hành ở Malaysia theo nghi thức Phật giáo và hoả táng, tro tàn sẽ được thân nhân mang về Hoa Kỳ thờ phượng. Sau đó lại có tin tro cốt của ông Kỳ sẽ được mang về rãi ở Sơn Tây, nguyên quán của ông, nơi có núi Ba Vì và những đôi mắt không có gì là u uẩn vì đời luân lạc như trong thơ Quang Dũng vì ông Nguyễn Cao Kỳ rất hãnh diện về việc đã trở về Việt Nam bắt tay với Việt cộng như trong điếu văn của cô Kỳ Duyên đã viết.

Nhưng... khi viết những dòng này thì một ông nhà báo ở Bolsa gọi điện thoại cho Đào Nương tôi biết là tro tàn của ông Nguyễn Cao Kỳ đã được đưa về sống chung với cộng đồng người Việt tị nạn Cộng sản tại Hoa Kỳ mới thật là khó hiểu.

Vào 9 giờ đêm Thứ hai ngày 1 tháng 8, mấy ông Không quân thân tín của ông Kỳ trước đây và các con cuả ông đã lên phi trường Los Angeles ‘đón’ tro tàn của ông đem về đặt tại tiệm bán bàn ghế của một người con trai của ông. Cái mộng được về Sơn Tây của ông Kỳ không thành.

Không hiểu trong tang lễ ở Malaysia, ai là người quyết định phủ 1/3 quan tài ông Nguyễn Cao Kỳ bằng cờ vàng ba sọc đỏ, và 2/3 là cờ của Hoa Kỳ. Cờ vàng là ngọn cờ của bọn “đánh giặc thuê cho Mỹ” ông Kỳ đã chê từ lâu, còn cờ Hoa Kỳ thì ông Nguyễn Cao Kỳ không có quốc tịch Hoa Kỳ. Nhưng vì hai lá cờ này mà Việt cộng đã không cho tro than của ông Kỳ được mang về Việt Nam.

Cũng như trước đó, Việt cộng không cho tang lễ ông Nguyễn Cao Kỳ cử hành tại Việt Nam vì sợ đám đông hiếu kỳ, không có gì để chống đối “nhà nước ta” hơn bằng cách đi xem hay tham dự đám tang của một “thằng tướng ngụy” như trước đây, dân Saigòn đã “đi xem” đám ma của cô Thanh Nga hay 10 năm trước đây, “đi xem” đám tang của Trịnh Công Sơn.

Điều này có thể sẽ không xảy ra nhưng đối với Việt cộng thì ngừa trước thì vẫn hơn. Tóm lại, đây lại là một bài học dành cho các anh thích bắt tay với Việt cộng. Sống thì là những công dân hạng hai của chế độ, chết thì ... cũng chưa được làm công dân hạng bét.

Trước đây, nghe nói hoà thượng Thích Hạnh Đạo trụ trì chuà Phổ Đà ở Santa Ana, California đã nhận lời làm lễ cầu siêu và tro than của ông Nguyễn Cao Kỳ sẽ được an vị ở đây. Chỉ tiếc là điều này chưa thực hiện được thì ngài đã viên tịch vào ngày 28 tháng 7, 2011.

Những vị thừa kế chuà này không dám quyết định vì ngại sự chống đối của Phật tử chống cộng sẽ ảnh hưởng đến sự trang nghiêm của chuà vì uy tín đạo hạnh và quá khứ chống cộng của các vị này không thể so với hoà thượng Thích Hạnh Đạo. (Tưởng cũng nên nhắc qua về tiểu sử của hoà thượng Thích Hạnh Đạo và sự liên quan mật thiết cuả ngài trong QLVNCH.
Trích chuadonghung.com
- Năm 1964 khi ngành Tuyên Úy Phật Giáo ra đời, Ngài tham dự và tốt nghiệp Khóa I Sĩ Quan Tuyên Úy Phật Giáo trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, và được cử ra Vùng I làm Phụ Tá Tuyên Úy Quân Khu.
Sau khi Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất thành lập vào đầu năm 1964, từ năm 1964 đến năm 1967, Ngài đảm nhận chức vụ Tổng Thư Ký cho Ban Đại Diện Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Quảng Nam Đà Nẵng.
- Từ năm 1966 đến năm 1968, Ngài được công cử làm Trụ Trì Chùa Báo Ân kiêm Tuyên Úy Trưởng tại Tổng Y Viện Cộng Hòa tại SàiGòn.
- Từ năm 1968 đến năm 1970, Ngài được thăng cấp bậc Trung Tá và đảm nhận chức vụ Chánh Sở Tuyên Úy Phật Giáo Quân Đoàn 4, Quân Khu 4, văn phòng đặt tại Tỉnh Cần Thơ.
- Năm 1970, Ngài được cử đảm nhận chức vụ Giám Đốc Cơ Quan Viện Trợ CRS, là cơ quan viện trợ nhân đạo quốc tế của Hoa Kỳ.
- Từ năm 1970 đến năm 1975, Ngài về Trụ Trì Chùa Từ Tâm trong Trung Tâm Y Tế Toàn Khoa Đà Nẵng. Trong thời gian này Ngài cũng dạy học tại Phật Học Viện Phổ Đà, giáo sư Toán trường Trung học Bồ Đề Đà Nẵng và đảm nhận chức vụ Phó Đại Diện Nội Vụ trong Ban Đại Diện Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Thị xã Đà Nẵng.
- Sau khi Cộng Sản chiếm miền Nam, cùng chung số phận với hàng trăm ngàn quân cán chính Việt Nam Cộng Hòa, Ngài bị Cộng Sản bắt bỏ tù từ năm 1975 cho đến năm 1985 mới được thả ra.
- 1995, ngài đến Hoa Kỳ trong diện HO 19
(ngưng trích)

Qua tiểu sử trên chúng ta thấy rằng từ năm 1964 đến năm 1967, hoà thượng Thích Hạnh Đạo đảm nhận chức vụ Tổng Thư Ký cho Ban Đại Diện Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Quảng Nam Đà Nẵng, thời kỳ mà ông Kỳ vẫn hãnh diện về tài “dẹp loạn miền Trung”. Ngài Hạnh Đạo biết rõ vì sao các chuà ở hải ngoại không muốn nhận làm lễ cầu siêu hay tro than của ông Nguyễn Cao Kỳ.

Nhưng ngài Hạnh Đạo đã dùng tâm từ bi chánh pháp của một tu sĩ Phật giáp để làm điều này. Chỉ tiếc là ngài qua đời trước khi tro than của ông Kỳ về đến chuà Phổ Đà. Hiện nay, có tin vì các chuà Việt Nam không muốn nhận “điều lành” này nên có thể người nhà ông Nguyễn Cao Kỳ sẽ đưa ông vào chuà Tây Lai tức Hsi Lai của Phật giáo Đài Loan.

Thế mới biết định mệnh là ghê gớm thật. Thiếu tá Đăng văn Âu đã so sánh cái chết của ông Nguyễn Cao Kỳ với ông VõVăn Kiệt và cho rằng là do tình báo Trung Cộng dính dzô. Bây giờ chết tro than ông hàng ngày phải nghe kinh bằng tiếng Tàu thì thật là oan nghiệt.

*
Hai tuần qua, những ông “pro” thiếu tướng ra công bênh vực hay nhìn họ hàng với ông Nguyễn Cao Kỳ khiến người hiểu chuyện vừa thương, vừa tội nghiệp cho ông. Các ông này viết câu trên: “nghĩa tử là nghĩa tận” khuyên mọi người phải để cho người nằm xuống được yên; nhưng ngay bên dưới thì lại “phán” rằng “hãy để cho lịch sử phán xét” công và tội của ông Kỳ. Với Việt cộng, Nguyễn Cao Kỳ không thể so sánh với Võ văn Kiệt, thì với người quốc gia chống cộng, không thể so sánh Nguyễn Cao Kỳ với Nhất Linh Nguyễn Tường Tam mà dùng câu nói “hãy để cho lịch sử phán xét” này được. Bối cảnh lịch sử của nền Đệ Nhất Cộng Hoà khi ông Nguyễn Tường Tam viết câu này trước khi tự sát và bối cảnh Việt Nam ngày nay dưới chế độ cộng sản và tư cách con người của Nguyễn Cao Kỳ thì không thể dùng câu nói này được.

Bởi vì một khi sự thật trắng đen quá rõ rệt thì “lịch sử” cần gì phải đắn do khi phán xét. The facts speak for itself. Đào Nương tôi không nhớ có phải ông sử gia Tư Mã Thiên là người đã viết câu này không:

Hầu hết sử gia đều là những mụ đàn bà lắm chuyện và thiển cận. Định kiến và quyền lợi khiến họ quên rằng viết sử không phải là viết tiểu sử, thành tích, mà là ghi nhận lại sự thật của sự kiện lịch sử một cách khách quan, trung thực, có phương pháp khoa học. Nó khác hẳn việc đánh giá sự kiện, sự thật ấy như thế nào, ra sao... vì đó là chuyện của người đời sau với những cái nhìn khác biệt, trình độ trí thức hay hậu quả của sự kiện này đối với đời sau. Chỉ một chuyện Kinh Kha sang Tần mà cũng đã để lại bao nhiêu là ý kiến khác biệt. Sử sách Tàu ghi rõ Kinh Kha là một kiếm khách tầm thường mà thái tử Đan vì lòng hoài vọng phục quốc cho nước Yên, chỉ cần nghe lời đồn đại mà mang về phụng dưỡng với hy vọng sẽ hành thích được vua Tần. Hai năm trời phụng dưỡng, tốn bao nhiêu tiền của, hy sinh cả đôi bàn tay của người thiếp yêu quý nhất, hy sinh cả một tướng quân Phan ô Kỳ để rồi khi việc không thành, thái tử Đan phải tuẩn tiết, người dân nước Yên bị đày đọa tang thương nhưng sử sách chỉ ghi nhớ chuyện Kinh Kha sang sông Dịch với một sứ mạng “đội đá vá trời” trong khi ông biết rõ hơn ai hết, tài trí và khả năng sánh sao được với bà Nữ Oa? Bao nhiêu ngàn năm sau, thi sĩ Vũ Hoàng Chương còn có những vần thơ ca tụng Kinh Kha:

Một nét dao bay ngàn thuở đẹp
Dù sai hay trúng cũng là dư
Kià uy dũng kẻ sang Tần không trở lại
Đã trùm lấn Yêu Ly, hề át Chuyên Chư
Ôi Kinh Kha
Hào khí người còn sang sảng
Nước sông Dịch còn trôi hay đã cạn
Chí anh hùng vằng vặc sáng thiên thu!

Chuyện Kinh Kha hành thích vua Tần mà còn như vậy thì chuyện ông Nguyễn Cao Kỳ đâu có gì để người sau phải bàn hay luận vì nó sáng vằng vặc như ban ngày. Có ba điều chung chung mà các ông “pro thiếu tướng” thường nêu ra mà Đào Nương tôi ghi nhận được:

- Lòng Yêu Nước của ông Kỳ.
- Sự nhường nhịn của ông Kỳ khi đồng ý đứng chung liên danh với ông Nguyễn Văn Thiệu năm 1967.
- Tinh thần hoà giải dân tộc khi bắt tay với Việt cộng.

1. Về lòng yêu nước của ông Nguyễn Cao Kỳ:

Nhiều lần, các ông “pro thiếu tướng” viết về việc ông Kỳ là một người yêu nước, một nhà ái quốc. Khó có thể có một định nghĩa rõ ràng thế nào là lòng ái quốc nhưng nếu bảo rằng đó là những tình cảm dành cho quê hương thì không đủ. Vì chỉ như thế thì ai cũng có thể là “nhà ái quốc” cả. Ái quốc không phải là tình cảm thuần túy. Người ta chỉ xử dụng danh từ này khi một người có những việc làm hữu ích cho vận mệnh quốc gia và quyền lợi quốc dân. Vậy, muốn trở thành người ái quốc phải có óc hy sinh. Khi sơn hà cần đến, ta phải biết coi rẻtư lợi mà lo cho quyền lợi tổ quốc.

Đào Nương tôi ở Orange County sớm hơn nhiều người Việt tị nạn cộng sản. Hầu hết tướng lãnh của VNCH như trung tướng Ngô Quang Trưởng, trung tướng Lữ Lan, thiếu tướng Nguyễn Duy Hinh, những vị tướng mà Đào Nương tôi được quen biết thì không ai có được đến 50 đô la khi ra khỏi quê hương. Các vị này ai cũng phải bắt tay vào việc lao động kiếm tiền nuôi gia đình trên mảnh đất mới này và ai cũng im lặng sống đời của những vị tướng bại trận có liêm sỉ, giữ danh dự cần có của một kẻ sĩ khi phải chấp nhận đời sống lưu vong nơi xứ người.

Khi đọc điếu văn của cô MC Kỳ Duyên “ca tụng” cha cô trong sạch và vì vậy cuối đời ông không có nhiều tiền mà tôi thấy buồn cười. Sau 1975, từ những năm đầu tị nạn cộng sản, khi hầu hết mọi người tị nạn cộng sản ở Hoa Kỳ làm lương 3, 4 đô la một giờ thì ‘tướng Kỳ và phu nhân” đã là chủ nhân của một ngôi nhà to ở Huntington Beach, một tiệm liquor ở Santa Ana. Vì những mối liên hệ mà Đào Nương tôi không muốn nhắc đến, Đào Nương tôi đã được chứng kiến những tiệc to, tiệc nhỏ ở tư gia của tướng Kỳ. Chẳng phải tự nhiên mà bà Đặng Tuyết Mai nổi tiếng tại những sòng bạc ở Las Vegas. Bà Đặng Tuyết Mai còn khai trương cửa hàng bán thời trang loại sang có tên La Pasisienne trong Westminster Mall. Những chuyện làm ít, ăn nhiều, chơi nhiều của ông bà tướng tăng theo với những xì căng đan càng lúc càng nhiều không còn dấu ai được nữa khi bà tướng tự tử ở Manilla, rồi chuyện bà Marcos bị lưu vong giao nữ trang nhờ bà tướng giữ dùm rồi bà tướng bán luôn, rồi chuyện ông tướng qua Louisiana nhờ thuộc cấp giúp đỡ mở vựa bán tôm.

Mỗi nơi, mỗi thời, anh em Không Quân, những bà “nhỏ” được làm quen với bà tướng bị mất mỗi người một ít mà ai cũng phải ngậm bồ hòn với bên ngoài, chỉ nói cho nhau nghe. Nói theo lời của một học giả có họ với bà tướng thì đó là một gia đình dột từ trên nóc dột xuống, không còn gì đáng để đề cập đến nữa.

Khi ông Nguyễn Cao Kỳ bỏ bà Đặng Tuyết Mai lấy “người cũ” làm “vợ mới” thì coi như ông Kỳ không còn chỗ dung thân ở nơi này.

Ai cũng biết điều này. Do đó, nếu còn thương và nghĩ đến ông Kỳ xin các ông “pro thiếu tướng”hủ mắm “khó ngửi” này ra nữa. Khi ôâng Kỳ song hành vừa mở đường cho vợ mới kiếm cơm ở Việt Nam, vừa mở miệng chê những chiến binh VNCH trong đó có cả ông ta là “bọn lính đánh thuê” thì không biết nhà ái quốc này còn gì để hy sinh cho tổ quốc Việt Nam? Khi không còn tất cả danh dự, tài sản, đạo đức?
đừng ép người khác phải khui ra những cái
Đào Nương tôi nghĩ rằng, trong 10 năm qua, nếu những đàn em KQ của ông Kỳ đừng chán chê ông ta quá, vẫn cho ông ta những chỗ đi về, và những nhà hàng ở đường Bolsa vẫn còn cho ông Kỳ một chỗ ngồi không phải trả tiền thì liệu chúng tôi có phải nghe những điều chướng tai gai mắt làm ô nhục cả một binh chủng nói riêng và cả một quân đội nói chung hay không?

Do đó, yêu nước một cách thực tế nhứt theo Đào Nương tôi nghĩ vẫn là làm những công dân tốt, những công dân chu toàn các bổn phận hàng ngày, thượng tôn pháp luật, đào luyện về thể xác, tinh thần, đạo đức, xã giao... dù ở trong hay ngoài quê hương cũng vậy. Yêu nước không phải là sống bám vào đàn em và khi không còn sống bám được nữa thì cho “chúng” đi chung một xuồng “đánh thuê cho giặc Mỹ” một cách vô liêm sỉ như vậy được

2. Về sự nhường nhịn của ông Kỳ khi đồng ý đứng chung liên danh với ông Nguyễn Văn Thiệu năm 1967:

Sau hội nghị tại Honolulu, ông Bunker thay ông Henry Cabot Lodge làm đại sứ Hoa Kỳ tại Nam Việt Nam và việc đầu tiên của ông Bunker là loại ông Kỳ trong chức vụ lãnh đạo miền Nam Việt Nam vì ông Bunker nhìn thấy khả năng cuả tướng Kỳ và sự sai lầm của tướng Westmoreland trong việc hổ trợ tướng Kỳ. Các tướng lãnh miền Nam VN không còn ai ủng hộ ông Kỳ. Con đường đứng chung liên danh với ông Thiệu là một ân huệ mà Hội Đồng Tướng Lãnh dành cho tướng Kỳ để vớt vát thể diện cho tướng Kỳ và để tránh cho các ông KQ nổi loạn chứ không phải là quyết định hay chọn lựa “giải pháp đoàn kết” của tướng Kỳ. Trước khi để “lịch sử nhận định” thì chúng ta phải ghi lại sự kiện lịch sử cho đúng đã. Đó là những sự kiện lịch sử cận đại mà nhiều nhân chứng còn sống để chúng ta kiểm chứng. Đừng lộng ngôn ca tụng những điều không phải, không đúng vì khi làm như vậy, chính các ông đã mở cửa cho những người trẻ tuổi, những sĩ quan cấp dưới làm nhục ông Kỳ thêm hơn nữa.

Trước 1975, ông Nguyễn Cao Kỳ đã từng làm tướng, làm lãnh tụ mà không bảo vệ được lãnh thổ của VNCH, cái tội đó ông chưa trả lời được. Sau 1975, làm một vị tướng lưu vong đã không biết tu thân, tề gia, cuối đời lại không biết nhục mà còn mở miệng đòi trị quốc, bình thiên hạ thì quả thật là mục hạ vô nhân. Làm một vị tướng bại trận ít ra cũng nên biết giữ gìn thể diện để còn được sự kính nể của người dân hay thuộc hạ. Vận nước Việt Nam không may, thế cờ chính trị đã đưa chúng ta đến nơi này, không ai trách gì ai cả vì tướng cũng như dân đều có tội như nhau khi để nước mất vào trong tay giặc. Sau 36 năm, sơn hà đang nằm bên bờ vực thẳm, một bọn cướp ngày đang manh tâm bán rẻ đất nước cho ngoại bang.

Năng lực người Việt hải ngoại không dồn để tiêu diệt bọn chúng mà còn bận tâm đến phường giá áo, túi cơm chạy theo bọn cướp ngày này để làm gì? Khi không còn bám vào cộng đồng người Việt tị nạn Cộng sản thì quay đầu chạy về nước lạy lục với kẻ thù để hy vọng có được một chỗ dung thân nên đến chết vẫn không được yên thì cũng là điều dễ hiểu.

3. Về tinh thần hoà giải dân tộc của ông Nguyễn Cao Kỳ khi bắt tay với Việt cộng:

Đất nước Việt Nam ngày nay đã không còn là đất nước Việt Nam của 36 năm về trước. Thế giới ngày nay cũng không còn là thế giới của 36 năm về trước.

Năm 2004, ông Nguyễn Cao Kỳ theo vợ mới về Việt Nam với một hành trang rổng không. Công việc của ông Ky,ø nếu dùng chữ nghĩa một chút, thì là người dẫn đường, nôm na hơn thì là kẻ dẫn mối cho bọn tài phiệp Mỹ về mở sân chơi golf tại Việt Nam. Hiện nay, chúng ta đã biết sự thật đàng sau những “dự án” này. Để xây dựng một sân golf thì Việt cộng đã phải giải toả biết bao nhiêu nhà, cướp biết bao nhiêu đất của dân nghèo mà dù cho có đền bù thì cũng chẳng bao giờ thỏa đáng! Bằng chứng là có biết bao nhiêu vụ khiếu kiện của dân chúng mà không hề được giải quyết.Việt Nam cần phát triển về kỷ nghệ để có công ăn, việc làm cho dân chúng chứ không cần sân golf. Trong hành trang của ông Kỳ khi dẫn Mỹ về Việt Nam có một dự án kỷ nghệ nào không? Hoàn toàn không?

Đó là về kinh tế. Về chính trị, ông Nguyễn Cao Kỳ có gì để hoà hợp “dân tộc’ với bọn Việt gian cộng sản? Cái chúng cần là uy tín, là khả năng lãnh đạo cộng đồng người Việt hải ngoại thì ông Kỳ hoàn toàn không có. Thế thì chúng, những tên tư bản đỏ, những tên tỷ phú đô la do những đồng tiền ăn cướp của dân, sẽ hoà hợp gì với một anh tướng bại trận, nghèo kiết xác?

Cờ đến tay một người không có khả năng thì không những chỉ hại cho bản thân người ấy, cho gia đình người ấy mà còn là một nguy hại dài lâu cho đất nước. Tin giờ cuối nghe được thì gia đình ông Kỳ đã để tro cốt của ông Kỳ ở nghĩa trang Rose Hills vì không biết để đâu. Nghe mà tội. Đến chết thì tướng Kỳ được nhiều người viết bài nhận là anh, là bạn, ca tụng ông là nhà ái quốc khiến những điều không hay về cá nhân ông được dịp phô bày.

Hy vọng sau bài viết này, Đào Nương tôi sẽ không phải trở lại “đề tài” này. Xin các ông hãy để cho “nhà ái quốc” của các ông được yên nghỉ. Ít ra, khi nằm xuống, ông Nguyễn Cao Kỳ nhìn sao trời, ông Kỳ sẽ có dịp ngẫm nghĩ về ba chữ tổ quốc, danh dự và trách nhiệm mà khi còn sống, ông ta đã lãng quên!
Đào Nương


Webmaster: Sau bài này sẽ không có bất cứ một bài nào khác có liên quan đến Ông Nguyễn Cao Kỳ được đưa lên trtang web này nữa.