Tỉnh Phước-Tuy Lịch Sử Chiến Tranh

Tỉnh Phước-Tuy

Địa Lý:

Là một tỉnh trong số 44 tỉnh của miền Nam Việt Nam Cộng Hòa, Đông giáp Bình Tuy, Bắc giáp Long Khánh và Biên Hoà, Tây giáp Gia Định, Nam và Đông Nam giáp Biển Nam Hải. Bờ biển dài 45 km chạy dài từ ranh giới Thị xã Vủng Tàu đến ranh giới Tỉnh Bình Tuy. Địa thế bằng phẳng, trung bình ở độ cao từ 50 m đến 120 m so với mặt biển. Dọc theo Quốc lộ 15 có dải núi Ông Trịnh và núi Thị Vải nối tiếp chạy dài từ tỉnh lỵ và lài ra đến xã Phú Mỹ. Phía Nam cạnh bờ biển dọc theo tỉnh lộ 44 có dải núi Long Hải và cạnh bên phải Liên tỉnh lộ 2 có Núi Đất. Trung bình đỉnh cao nhất của các dải núi này có cao độ từ 500 đến 550 m so với mặt biển.

Ngày 6 tháng 9 năm 1973, Thủ tướng Trần Thiện Khiêm ban hành Nghị định số 420-BNV/HC DP/26, do Tổng Trưởng Nội Vụ Lê Công Chất ký, sát nhập Trường Sa và các đảo phụ cận vào xã Phước Hải, Quận Đất Đỏ, Tỉnh Phước-Tuy.
(Ngày 16 tháng 9 năm 1973, Hải Quân VNCH bàn giao lại cho Tỉnh Phước Tuy và Tiểu Khu Phước Tuy gởi một Đại Đội thuộc Tiểu Đoàn 372 ĐPQ ra chiếm đóng các đảo như sau: BCH Đại Đội đóng tại đảo Nam Yết, 1 Trung đội đảo Sơn Ca, 1 trung đội đảo Sinh Tồn và 1 trung đội đảo Trường Sa. Đơn vị sau cùng khi CSVN gởi quân ra đánh chiếm quần đảo là Đại Đội thuộc Tiểu đoàn 302 ĐPQ).

Diện Tích:

Tỉnh Phước-Tuy có hình dáng của hình chữ nhật nằm theo trục Tây-Nam Đông-Bắc với cạnh dài 60 km và cạnh ngang 40 km. Diện tích ước độ trên dưới 2400 km vuông

Dân Số và Tôn Giáo:

Theo tài liệu của Quân đội Úc, tổng số dân của Tỉnh Phước Tuy tính đến tháng 7 năm 1967 là 126,256 người (Gồm cả Quân Cán Chính và gia-đình). Đa số dân sống tập trung theo Quốc lộ 15, tại tỉnh lỵ và quận lỵ. Phần lớn dân chúng theo đạo Phật hay đạo Thờ cúng ông bà. Một số ít theo đạo Công Giáo. Năm 1955-1956 đồng bào miền Bắc di cư vào Nam lập thêm các làng Bình Giã, Phước Tỉnh và một số giáo xứ rải rác trong tỉnh lỵ, quận lỵ nên tỷ số người theo đạo Công giáo Tỉnh Phước Tuy trước năm 1975 đã tăng lên với tỷ số đáng kể.

Tổ Chức Hành Chánh:

Tỉnh Phước Tuy có 5 Quận: Long Lễ, Đức Thạnh, Đất Đỏ, Long Điền và Xuyên Mộc gồm 29 xã, 129 ấp. Tỉnh lỵ nằm trong Xã Phước Lễ thuộc Quận Long Lễ.

Kinh Tế:

Không giống như những tỉnh miền Tây hầu như hoàn toàn dựa vào nông nghiệp, người dân Bà-Rịa Phước-Tuy phần đông sống về̀ nghề̀ đánh cá và làm muối. Các ruộng muối trải dài từ Long Hải đến Vũng Tàu đã cung cấp muối với phẩm chất tốt cho nghề đánh cá địa phương cho đến vùng đồng bằng sông Cửu Long và sang tận Cao Miên. Năm 1897, cao su được đưa từ Mã-lai sang để trồng thử. Nhờ đất tốt và sản lượng cao nên từ năm 1938, nước Pháp đã có thể thỏa mãn được nhu cầu về cao su khai thác tại Việt Nam.